Móng đơn là gì? Cấu tạo và phân loại móng đơn
Móng đơn là gì?
Móng đơn là một trong bốn loại móng nhà phổ biến. Móng đơn còn được gọi là móng cốc, được biết đến với dạng kiểu móng một cột hoặc một chùm cột đứng sát cạnh nhau.
Về hình dáng và kích thước, móng đơn có loại hình tròn, hình vuông hoặc chữ nhật, sẽ tùy vào quy mô của công trình mà lựa chọn loại móng phù hợp.
Với khả năng chịu lực của mình loại móng này thường phù hợp với những công trình nhà ở dân dụng, có tải trọng nhẹ hoặc tương đối nhẹ và có điều kiện đất nền có độ cứng tốt.
Ưu và nhược điểm của móng đơn
Ưu điểm của móng đơn
- Cấu tạo đơn giản, dễ thi công: Chỉ gồm một khối bê tông cốt thép, giảm chi phí và thời gian thi công.
- Thích hợp cho công trình tải trọng nhỏ: Phù hợp với nhà ở, nhà kho, nhà xưởng thấp tầng.
- Phù hợp địa hình đơn giản: Thường dùng ở khu vực địa hình phẳng hoặc nghiêng nhẹ.
- Không ảnh hưởng đến kết cấu công trình: Nằm dưới nền đất, không tác động đến cấu trúc bên trên.
Nhược điểm của móng đơn
- Giới hạn tải trọng: Không phù hợp cho công trình lớn, như nhà cao tầng, cầu vượt.
- Dễ bị lún trên nền đất yếu: Dẫn đến nguy cơ sụt lún hoặc biến dạng công trình.
- Không phù hợp địa hình đặc biệt: Không thích hợp xây trên núi, bãi biển cát cứng hoặc đất đá; cần dùng móng cọc trong trường hợp này.
Cấu tạo của móng đơn
Móng đơn có cấu tạo khá đơn giản, giúp quá trình thi công trở nên dễ dàng hơn. Cấu tạo cơ bản của móng đơn bao gồm 4 bộ phận chính:
- Bê tông lót: Lớp bê tông lót dày khoảng 100mm, thường được làm từ bê tông đá 4x6 hoặc gạch vỡ trộn với xi măng. Nhiệm vụ chính của lớp bê tông lót là làm sạch và làm phẳng hố móng, đồng thời ngăn chặn việc mất nước của xi măng trong quá trình thi công.
- Bản móng: Đây là phần dưới cùng của móng, thường có hình chữ nhật, với đáy móng vát một độ dốc vừa phải. Kỹ sư sẽ tính toán kỹ lưỡng để thiết kế bản móng sao cho phù hợp với tải trọng và quy mô công trình.
- Cổ móng: Cổ móng có kích thước tương đương với cột tầng trệt và thường được mở rộng khoảng 2,5cm ở hai phía để tạo lớp bê tông bảo vệ cốt thép bên trong. Cổ móng có chức năng truyền tải tải trọng từ cột xuống đáy móng, đảm bảo sự ổn định cho công trình.
- Giằng móng (hay còn gọi là đà kiềng): Có vai trò đỡ các tường ngăn phía trên và giảm bớt độ lún lệch giữa các móng trong công trình. Giằng móng kết hợp với dầm móng sẽ làm giảm độ lệch tâm móng nhưng phải xem nó như là một dầm trong kết cấu khung.
Các loại móng đơn
Có nhiều cách để phân loại móng đơn, nhưng chủ yếu dựa vào tính chất, đặc điểm và cấu tạo. Do đó, thông thường móng đơn có thể được phân loại thành 3 loại chính:
-
Phân loại móng đơn theo độ cứng móng
Độ cứng của móng móng đơn sẽ quyết định mục đích sử dụng của móng.
- Móng đơn mềm: Loại móng này có khả năng biến dạng lớn theo đất nền và chịu uốn tốt. Tuy nhiên, móng đơn mềm không thích hợp sử dụng cho các công trình xây dựng lớn do độ biến dạng cao.
- Móng đơn cứng hữu hạn: Móng đơn cứng hữu hạn có độ cứng tương đối, có khả năng chịu sụt lún trong một thời gian nhất định. Móng này thường có tỷ lệ cạnh dài/cạnh ngắn ≤ 8, phù hợp cho các công trình có yêu cầu độ bền vừa phải.
- Móng đơn cứng tuyệt đối: Đây là loại móng có độ cứng lớn, gần như không có sự biến dạng. Móng đơn cứng tuyệt đối thường được sử dụng cho các công trình yêu cầu sự ổn định cao và khả năng chịu lực lớn.
-
Phân loại móng đơn theo đặc điểm tải trọng
- Móng chịu tải trọng tải lệch tâm
- Móng chịu tải trọng đúng tâm
- Móng các công trình cao (tháp nước, bể chứa, ống khói,…).
- Móng chịu lực ngang lớn (tường chắn, đập nước, …).
- Móng chịu tải trọng thẳng đứng, moment nhỏ.
-
Phân loại móng đơn theo cách thức chế tạo
- Móng toàn khối: Loại móng được đổ tại chỗ
- Móng lắp ghép: Móng có nhiều khối chế tạo sẵn được lắp ghép lại với nhau trọng quá trình thi công.
Quy trình thi công móng đơn
Thi công móng là yếu tố quan trọng trong sự bền vững của cả công trình, do đó khi thi công móng đơn yêu cầu về sự chuẩn xác và cần thận trong toàn bộ quá trình. Đó cũng là lý do cần một quy trình thi công móng đơn chuẩn xác cho công trình.
Bước 1: Công tác chuẩn bị
Khảo sát địa chất tại khu vực cần thi công để đánh giá về loại móng, kích thước và kỹ thuật sẽ được sử dụng trong quá trình thi công.
Tập kết vật liệu, kiểm tra nguồn nhân lực và máy móc thiết bị cần thiết để quá trình thi công được diễn ra suôn sẻ.
Bước 2: San lấp mặt bằng, đóng cọc và đào hố móng
San lấp mặt bằng và dọn dẹp vệ sinh khu đất để thuận tiện cho quá trình thi công.
Xác định vị trí đóng, kích thước và khoảng cách giữa các cọc theo bản vẽ thiết kế.
Tiến hành đào hố móng, đảm bảo kích thước hố móng theo đúng quy định thiết kế
Bước 3: Xử lý đáy hố móng
Hố móng sau khi đào phải được làm phẳng và dọn dẹp sạch, hút hết nước nếu bên trong xuất hiện nước bên trong hố.
Sau đó đổ lớp bê tông lót móng khoảng 100mm để bảo vệ nền đất và hạn chế các biến dạng và mất nước ở móng sau này.
Bước 4: Thi công cốt thép
Lựa chọn loại thép chất lượng theo đúng kích thước và chủng loại của bản vẽ. Thép thường được sử dụng sẽ có kích cỡ Φ12 - Φ16 và khoảng cách giữa các thanh thép có thể dao động từ 10-15cm.
Cốt thép cần được đặt cách lớp bê tông lót khoảng 5cm để tránh tình trạng bị hoen gỉ và ăn mòn.
Sử dụng dây thép chuyên dụng buộc chặt mối nối để đảm bảo sự vững chắc cho khung.
Bước 5: Đổ bê tông móng
Đây là bước quan trọng để đảm bảo kết cấu của móng và toàn bộ công trình.
Đổ bê tông theo nguyên tắc từ xa lại gần. Đổ bê tông liên tục để tránh tạo mạch ngừng thi công.
Sử dụng máy đầm rung hoặc đầm tay để đầm chặt bê tông, đảm bảo bê tông được phân bố đều và loại bỏ bọt khí.
Lưu ý: không được để cho hố móng ngập nước trong quá trình đổ bê tông móng đơn. Nước trong hố móng sẽ làm cho bê tông có độ kết dính kém, ảnh hưởng đến chất lượng thi công.
Bước 6: Bảo dưỡng bê tông
Bảo dưỡng bê tông móng là quá trình dưỡng ẩm thường xuyên cho bê tông trong điều kiện tác động của các yếu tố khí hậu bên ngoài.
Sau 4 giờ bê tông đông kết, tiến hành phun nước hoặc phủ các loại vật liệu ẩm, phun sương,.. lên bề mặt. Bảo dưỡng định kỳ cứ 3 giờ tưới một lần trong vòng 2 - 4 ngày.
Bước 7: Kiểm tra và nghiệm thu móng đơn
Làm sạch bề mặt móng và kiểm tra chất lượng xem móng có gặp sự cố hay sai sót nào.
Kết Luận
Móng đơn là loại móng nhà có kết cấu đơn giản, chi phí thấp, và phù hợp với các công trình quy mô nhỏ trên nền đất ổn định. Mặc dù dễ thi công, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật là yếu tố then chốt để đảm bảo sự an toàn và bền vững cho công trình. Chính vì vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện đúng tiêu chuẩn trong từng giai đoạn thi công móng đơn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
FAQ
- Có bao nhiêu loại móng nhà?
Có 4 loại móng nhà phổ biến: Móng đơn, móng băng ( 1 hoặc 2 phương), móng cọc, móng bè
- Móng đơn bị lún xử lý thế nào?
Bổ sung cọc gia cố hoặc bơm vữa vào nền để tăng độ ổn định.
- Chi phí thi công móng đơn gồm những gì?
Bao gồm chi phí vật liệu, nhân công, máy móc và khảo sát địa chất.
- Bảo dưỡng bê tông móng đơn bao lâu?
Thông thường từ 3-7 ngày, tùy điều kiện thời tiết.